LÁ
RỤNG VỀ CỘI
DIỆU NGUYÊN
Gia đình tôi đạo gốc: Cả hai bên nội
ngoại đều theo đạo Cao Đài từ đời ông bà cố và đã có một số vị đắc quả vào hàng
Tiên Thánh. Vì ông bà nội mất sớm nên mỗi dịp lễ tết hoặc nghỉ hè, gia đình tôi
đều về với ông bà ngoại. Thuở bé, mỗi khi về Sài Gòn, tôi đều được mặc áo dài
theo ngoại đi thánh thất (mà chúng tôi quen nói là đi chùa) và dự những buổi hầu đàn thâu đêm suốt sáng. Nhiều lúc mỏi
mệt quá, tôi nằm lăn quay ra sàn đất ngủ ngon lành.
Hằng ngày ở nhà, mỗi khi bận việc, má thường bảo tôi
thay má châm nước cúng Thầy. Nhờ vậy mà lên tám, lên chín, tôi đã thuộc nằm
lòng tất cả các bài kinh cúng tứ thời mặc dù không hiểu nghĩa lý chi cả. Tôi
còn nhớ, mỗi khi đang mải chơi mà bị má bảo đi cúng thì đúng là như cóc bị bắt
bỏ dĩa, tôi đọc kinh với tốc độ của máy bay phản lực để mau chóng quay trở lại
cuộc chơi. Má biết được thường mắng yêu: “Con đọc kinh kiểu gì mà như xe lửa
chạy vậy, Trời Phật không chứng cho đâu!”
Tuy nhiên, cũng có lúc tôi thành tâm lắm và đức tin
nơi lòng một đứa trẻ tám, chín tuổi nhiều lúc thật buồn cười, ngộ nghĩnh. Thuở
ấy, mỗi khi quỳ trước Thiên Bàn đọc kinh, tôi thường tưởng tượng: Giả dụ như
lúc tôi đang cúng mà có hỏa hoạn xảy ra thì chắc chắn là phòng thờ nơi tôi đang
quỳ sẽ không bao giờ bị ngọn lửa xâm phạm. Và tuy còn bé xíu, tôi đã biết ăn
chay mười ngày mỗi tháng như ba má.
Năm tôi mười hai tuổi, đất nước có nhiều thay đổi và
đời sống người dân miền Nam
cũng lắm đổi thay cả về vật chất lẫn tinh thần. Đang tuổi học trò, cũng như bao
thanh thiếu niên khác cùng trang lứa, các sinh hoạt ngoại khóa ở nhà trường và
trong khu phố theo thời gian đã chi phối tôi rất nhiều. Những kiến thức tôi
tiếp thụ từ môi trường ấy dần dần khiến tôi “duy lý” hơn. Tôi không còn giữ
thập trai như trước. Lý lịch học sinh, phần tôn giáo, tôi ghi: Không.
Có lần tôi nói với ba tôi: “Ba ơi, làm gì có Thần
Thánh Tiên Phật, và cũng làm gì có cuộc sống sau khi chết. Con người chết là
hết.”
Khi ấy, ba tôi không trả lời gì hết mà chỉ nở một nụ
cười hiền từ. Nhưng, cứ mỗi lần dắt xe đạp ra cổng để đi hành đạo tại Cơ Quan
Phổ Thông Giáo Lý, ba tôi đều nói: “Ba đi hành đạo kiếm phước cho các con.” Bây
giờ tôi mới hiểu vì sao ba không hề phản bác hay la mắng tôi về câu nói ấy:
chắc chắn trong lòng ba có một niềm tin mạnh mẽ rằng lá xanh rồi cũng có ngày
rụng trở về cội.
Đến năm mười bảy tuổi, tôi thi đậu vào đại học nhưng
chỉ học được vài ba tháng thì bị bệnh. Sau khi nằm bệnh viện một tháng, tôi
bình phục trở lại nhưng vẫn không thể tiếp tục đi học vì đã mất quá nhiều bài
vở nên phải nghỉ ở nhà một năm. Thời gian rảnh rỗi, tôi chỉ biết đọc sách, làm
việc nhà... đôi lúc cũng thấy buồn chán. Ba tôi đề nghị: “Hay con đi sinh hoạt
thanh thiếu niên trong chùa với ba đi!” Tôi nghe theo ba và ngày Chủ Nhật hôm
ấy, hai cha con tôi cùng đạp xe đến Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý.
Tôi được các anh chị trong Thanh Niên Vụ đón tiếp
niềm nở. Tôi thấy sao ai cũng nói chuyện hiền lành dễ thương. Chị Kim Dung rủ
tôi tham dự một buổi tối sinh hoạt của vườn Vạn Thảo, là khu vườn ươm cây của
Đại Đạo với đủ các sắc hoa màu cây mang những cái tên thật hay ho và đáng yêu
như là Sao Nháy, Tường Vi, Phong Lan, Phi Lao, Trắc Bá, v.v... Các anh chị ấy
truyền cho tôi ngọn lửa nhiệt thành tâm đạo và làm sống lại đức tin trong tôi,
đức tin mà ông bà và cha mẹ đã truyền cho tôi từ thuở ấu thơ. Buổi tối sinh
hoạt hôm ấy làm cho lòng tôi rưng rưng tỉnh thức.
Rồi thêm một may mắn khác lại đến với tôi: Chỉ vài
ngày sau đó, Thanh Niên Vụ mở lớp Tu Sĩ khóa mới. Chị Kim Dung bảo tôi đi học và
còn giao cho tôi làm lớp trưởng nữa chứ. Thế là tôi đã gắn bó với Thanh Niên
Vụ, với Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý kể từ ấy.
Rằm tháng Sáu năm đó tôi nhập môn Cao Đài và trong
lòng thầm nguyện giữ trọn thủy chung như lời thệ ước với Đức Đại Từ Phụ.
Tôi thầm tạ ơn Trời Phật đã cho tôi được bệnh, tạ ơn đấng
sinh thành đã dìu dắt tôi trở về nguồn cội, và cảm ơn các anh chị giáo sĩ ở Cơ
Quan Phổ Thông Giáo Lý đã truyền cho tôi ngọn lửa nhiệt thành tâm đạo. Ngày
nay, tôi lại dìu dắt các con tôi đi theo con đường đạo đức của cha ông với ước
mong các cháu sẽ là người nối tiếp đạo nghiệp trong tương lai, để mối đạo Cao
Đài được hoằng khai rộng khắp năm châu như lòng mong mỏi của Đức Đại Từ Phụ.
DIỆU NGUYÊN